Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ba anh chị dịch giả: chị Nguyễn Vân Hà, anh Nguyễn Tuấn Bình và anh Nguyễn Quang Huy, những người đã dày công thực hiện bản dịch chỉn chu và đầy tâm huyết cho bộ ba tiểu thuyết này. Sau hai tuần kể từ khi nhận được sách, em đã hoàn thành cả ba tập trong một mạch đọc gần như không ngừng nghỉ – phần vì cuốn hút, phần vì bối rối không biết nên viết gì để xứng đáng với tầm vóc của tác phẩm. Bộ ba tiểu thuyết của Pearl S. Buck như một đề tài nghiên cứu về xã hội Trung Hoa qua nhiều thế hệ, không chỉ đồ sộ về nội dung mà còn lay động sâu sắc về cảm xúc.
Đất lành mở đầu bằng câu chuyện của Vương Long – một người nông dân khởi nghiệp từ… đất. Với ông, đất không chỉ là tài sản mà còn là lẽ sống. Tất cả những mảnh đời trong truyện đều xoay quanh đất: nói về đất, tranh giành đất, sống nhờ đất và cuối cùng cũng trở về với đất. Đất không chỉ là bối cảnh mà còn là nhân vật chính, cùng Vương Long đi từ nghèo khổ đến phú quý – và rồi khiến ông đổi thay cả về vật chất lẫn tâm hồn.
Một trong những câu khiến em day dứt nhất là: “Khi người ta giàu có quá, cuộc sống rồi sẽ biến chuyển.” Và đúng như thế, cuộc sống của Vương Long đã biến chuyển, không chỉ về hoàn cảnh mà cả về cách ông nhìn người thân của mình. Em thương A Lan – người vợ tảo tần, im lặng, gắn bó với Vương Long từ lúc trắng tay. Bà làm lụng, sinh con, rồi lại lặng lẽ quay lại đồng áng mà không một lời than phiền. Nhưng cuối cùng, điều bà nhận được là sự quên lãng và khinh rẻ. Sự bất bình đẳng giới hiện lên rõ rệt, cay đắng và đau lòng đến nỗi khiến em không khỏi nghĩ ngợi mãi.
Và dù vậy, Vương Long cũng là một người cha, người chồng mang trong mình nhiều phẩm chất đáng quý. Ông giàu lòng trắc ẩn, không nỡ bán con giữa nạn đói, hết lòng vì cha mẹ, thương yêu những đứa con – kể cả cô con gái khuyết tật như niềm an ủi âm thầm. Ngay cả khi đã thành người có của, ông vẫn giữ thói quen ra đồng, đi chân đất, như một phần bản năng không thể tách rời khỏi “đất lành” – nơi mọi thứ bắt đầu.
Đời con là sự tiếp nối, nhưng cũng là một cú chuyển mình mạnh mẽ. Lúc này, đất đã không còn thiêng liêng như trước, và những người con của Vương Long bắt đầu hành trình riêng – đầy giằng xé. Câu trăn trối của ông: “Nếu các con bán đất, đó sẽ là dấu chấm hết” như một lời tiên tri cho sự tan vỡ của đại gia đình họ Vương. Vương Điền Chủ sống hưởng thụ, sợ mất mặt. Vương Thương Gia tính toán từng đồng. Vương Mãnh Hổ – người con thứ ba, từ một chàng trai lặng lẽ theo cha ra ruộng, trở thành lãnh chúa hùng mạnh.
Nhưng cũng chính Mãnh Hổ là hình ảnh cho sự đối lập trong tâm hồn – dũng mãnh nơi chiến trường, nhưng dễ tổn thương vì tình cảm. Khi yêu, anh tan vỡ. Khi làm cha, anh dốc lòng dạy con theo ý mình – nhưng chính con anh lại chọn con đường cũ: về với ruộng đồng, với đất. Một vòng lặp buồn, nhưng cũng là quy luật cuộc đời: cha ép con theo nghiệp mình, rồi lại thấy con mình đi ngược lại. Và thế là mỗi thế hệ lại thêm một lần lạc lõng, thêm một lần chia xa.
Ly tán là tập truyện khiến em thấy gần gũi nhất – không chỉ vì bối cảnh hiện đại hơn mà còn vì những dằn vặt nội tâm của thế hệ trẻ. Vương Nguyên – con trai Mãnh Hổ – chính là người đại diện cho sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại. Cậu mang trong mình ký ức về đất, nghĩa vụ với cha, nhưng cũng không ngừng khao khát thoát ra để tìm bản ngã. Cậu đi học, tiếp thu giá trị phương Tây, rồi hoài nghi chính điều mình đã chọn. Cậu không biết đâu mới là “nhà” – là nơi để trở về, và đất, một lần nữa, lại là câu trả lời.
Ly tán cho thấy một xã hội Trung Quốc đang trên hành trình hiện đại hóa, nhưng cũng đầy mâu thuẫn. Người trẻ không biết tin vào đâu. Người lớn thì ôm lấy quá khứ. Và cuối cùng, mọi thế hệ đều bị mắc kẹt trong những kỳ vọng và di sản mà họ không thể dứt ra.